Nếu cây cầu này được xây dựng từ Bình Phước đến sân bay Long Thành chỉ còn 60 phút

Nếu cầu Mã Đà được xây dựng thì khoảng cách từ Bình Phước đến sân bay quốc tế Long Thành được rút ngắn xuống còn hơn 60km, dự kiến chỉ mất khoảng 60 phút để di chuyển.

 

Nếu cây cầu này được xây dựng từ Bình Phước đến sân bay Long Thành chỉ còn 60 phút
 

 

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ xem xét đồng ý xây cầu Mã Đà với tổng thể quy hoạch giao thông vùng đi qua địa phương.

Theo tỉnh Bình Phước, nếu được xây dựng cầu Mã Đà sẽ giúp kết nối Bình Phước với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải xuống còn hơn 60km so với hiện tại.

Cầu Mã Đà dự kiến rộng 11 m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Dự kiến cầu kết nối từ ngã ba Cây Điệp (thị xã Đồng Xoài) qua sông Mã Đà (thuộc đường ĐT753, huyện Đồng Phú) đến đường ĐT761 (tỉnh Đồng Nai). Công trình này nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT753 có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương, được UBND Bình Phước phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 7/2021.

Đây không phải là đầu tiên Bình Phước kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà. Trong năm 2021, địa phương này từng đưa ra kiến nghị này. Dự án này không chỉ có vai trò quan trọng với Bình Phước mà cả khu vực Tây Nguyên.

Cụ thể, cầu Mã Đà sẽ giúp Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên dễ dàng di chuyển về sân bay Long Thành mà không phải đi vòng theo các tuyến đường bộ qua địa bàn của tỉnh Bình Dương và một phần của TP.HCM.

Cầu Mã Đà khi đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Phước rút ngắn khoảng cách tới sân bay Long Thành chỉ còn 60 km, mất khoảng 60 phút di chuyển. Bên cạnh đó, khi có cầu Mã Đà, tuyến đường từ Cảng Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) theo quốc lộ 51, tỉnh lộ 767, 761, 753, quốc lộ 14 đi Tây Nguyên, rẽ sang quốc lộ 13 qua Campuchia ra vịnh Thái Lan; Trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, phục vụ việc hội nhập, giao thương kinh tế quốc tế. Khi đó, tỉnh Bình Phước sẽ thuận lợi hơn trong xuất - nhập khẩu hàng hóa.