Tiền gửi vào ngân hàng giảm

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng giảm 2 tháng liên tiếp
 

 

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng giảm 2 tháng liên tiếp

Đáng chú ý, tiền gửi dân cư đã giảm 2 tháng liên tiếp tháng 8, tháng 9. Tiền gửi của người dân trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380 nghìn tỷ, tương đương tăng 7,8%. Đến cuối quý 3, tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng đạt hơn 5,25 triệu tỷ đồng. Còn tiền gửi của dân cư tăng yếu, chỉ tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ, tương đương tăng 2,9%.

Việc tiền gửi dân cư sụt giảm mạnh trong tháng 8, tháng 9 có thể do làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh ở thời điểm này. Theo đó, thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng, đồng thời giãn cách xã hội cũng khiến khách hàng khó đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng không còn "mặn mà" gửi ngân hàng vì lãi suất quá thấp, như gửi 1 năm chỉ được lãi khoảng 6%.

Lãi suất tiền gửi ở mức thấp kỷ lục đã khiến nhiều người dân chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán, bất động sản,… Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại.

CTCK Rồng Việt (VDSC) đã dự báo mức tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay dao động 9,2-12,3%, và có khả năng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp.

Liên quan đến nguồn tiền trong dân, Bộ Tài chính đang gây chú ý với phương án phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái ngoại tệ nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Theo đó Bộ Tài chính cho biết có thể huy động khoảng 180.000 tỉ đồng trong dân chúng trong hai năm, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và công trái ngoại tệ.