Tháng 2 họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tháng; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Sắp họp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2

 

Chính phủ yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro, kiến nghị đối sách phù hợp. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác.

Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Người đứng đầu chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp.

 

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá 2022 vẫn là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý 3 đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh trong năm 2023, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết khó khăn.

Theo đó, Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; Nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.