300 triệu có thể mua nhà hoặc đầu tư bất động sản hay không?

Với những người có 300 triệu đang muốn mua nhà để ở, chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu bạn có ý định tích tiền trong tài khoản đến lúc đủ mới mua nhà thì chắc chắn không bao giờ đến được ngày đó.

Không phải ai muốn mua nhà cũng tích lũy được 50-70% giá trị tài sản để nếu vay thêm ngân hàng phần còn lại thì sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro. Vậy với những người chỉ có khoảng 300 triệu đồng muốn mua nhà để ở thì có nên mua nhà ngay không hay đầu tư thêm để tăng vốn? Và nếu thu nhập hàng tháng chỉ dưới 20 triệu đồng/tháng thì nên mua bất động sản nào để ở?

Hỏi: Tôi có 300 triệu đồng tiền tiết kiệm, có nên đầu tư thêm nữa để tăng khoản này lên trước khi mua nhà để ở hay không?

Ông Lê Văn Thông, Tổng Giám đốc Saigon King Land khuyên khán giả này nên đầu tư vừa với sức của mình, không nên để đồng tiền chết.

Ông Thông chia sẻ: Bản thân tôi chưa bao giờ có 300-400 triệu đồng để ở trong tài khoản bởi theo tôi nếu tài khoản ngân hàng có 1-2 tỷ đồng để lấy lãi thì không nói, còn nếu không có lãi thì "đồng tiền phải chạy". Nếu bạn có ý định tích tiền trong tài khoản đến lúc đủ mới mua nhà thì chắc chắn không bao giờ đến được ngày đó, bởi khi bạn có được 1 tỷ đồng, lúc đó dù thu nhập của bạn có ổ định ở mức 30 triệu đồng/tháng, thì tài sản BĐS đã tăng giá lên mức 3 tỷ đồng rồi. Vì vậy, bạn phải nghĩ cách để số tiền 300 triệu đồng tiết kiệm đó sản sinh thêm nữa thì mới đuổi kịp theo giá trị BĐS.

Bạn có thể vay mượn để mua đất ở đâu đó, bởi mua đất chắc chắn có lãi. Mua được đất ở TP.HCM thì tuyệt vời, còn mua ở những tỉnh xa khác thì phải cân nhắc.

bên trong phòng khách một căn hộ chung cư
Với những người muốn mua nhà đang có khoảng 300 triệu đồng tiền vốn, chuyên gia khuyên
không nên để "đồng tiền chết" mà "đồng tiền phải chạy". Ảnh minh họa

Trước đây khi lần đầu tiên tôi có số tiền 400 triệu đồng, tôi đã đi mua đất, tất nhiên tôi phải chọn mua đất ở Long An. Khi đó tôi nghĩ: "Khu này rất nhiều công nhân, dù không bán được đất thì có thể xây nhà trọ cho thuê cũng được". Vì vậy, khi mua đất bạn phải cân nhắc đến những khu vực mà tương lai được quy hoạch sẽ có cầu lớn, hoặc có thêm siêu thị, công viên… những yếu tố này sẽ giúp giá trị BĐS tăng lên. Còn những khu mà 5-10 năm tới không có gì mới thì giá đất vẫn tăng nhưng sẽ tăng ít, tính thanh khoản và khả năng bán lại sẽ chậm hơn.

Hỏi: Tôi chưa có kinh nghiệm mua BĐS, đã có 300 triệu đồng tiền tiết kiệm và đang làm công việc văn phòng với lương dưới 20 triệu/tháng, muốn mua nhà để ở thì nên chọn BĐS nào?

Ông Lê Văn Thông trả lời: Ai lên Sài Gòn làm việc cũng mong muốn mua được nhà ở Sài Gòn, tôi cũng vậy và đã thực hiện được điều đó. Theo tôi, bạn nên chọn mua một ngôi nhà đừng quá sức so với khoản tiền mình đang có. Khi mua nhà phải có định hướng rõ ràng, phù hợp với thu nhập và khả năng tài chính của mình.

Ví dụ có 300 triệu đồng thì không nên mua nhà có giá 2-3 tỷ đồng nếu thu nhập trung bình vẫn dưới 20 triệu/tháng và không có đột phá.

Nếu mua căn nhà giá quá cao so với của thu nhập của mình thì chỉ trả lãi cũng không đủ, vì vậy phải cân đối mua một căn nhà vừa sức để trả lãi được cho ngân hàng. Các bạn cần nghĩ thử: Mua căn nhà này sẽ phải trả lãi trong mấy chục năm liệu có chấp nhận được không hay nên tính toán theo hướng vừa ở vừa đầu tư?

Nếu trả lãi ngân hàng 10-15 năm, mình thấy mệt và muốn bán nhà đó đi thì tài sản này phải tăng giá, khi đó mình sẽ có một khoản lãi. Chứ nếu mua một BĐS trả lãi trong 20 năm, mà khi bán lại lỗ thì ta sẽ thành con nợ.

Đơn cử như khi mua căn hộ, phải chú ý thời điểm mua. Nếu mua lúc căn hộ chưa hình thành thì khi căn hộ hình thành ta sẽ có lãi nhiều (mua nhà theo diện BĐS hình thành trong tương lai - PV); còn nếu mua khi căn hộ đã hình thành, có sổ hết rồi thì phần lãi khi bán nhà sẽ không nhiều hoặc bị trừ thêm yếu tố khấu hao.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Batdongsan.com.vn tại TP.HCM góp ý thêm: Bản thân tôi trước đây cũng có mức thu nhập tương tự và đã từng thực hiện giao dịch này. Trường hợp mình có 300 triệu đồng tiền tiết kiệm, theo quy định, ngân hàng cho vay tối đa 70% giá trị căn nhà, như vậy khoảng giá mà mình có thể đầu tư hoặc mua nhà để ở là 1 tỷ đồng và mỗi tháng phải trả góp cho ngân hàng khoảng 10-11 triệu đồng/tháng.

Với mức tiền 1 tỷ đồng này, có 2 loại hình BĐS mình có thể mua: Một là nhà ở bình thường gắn liền với đất hoặc nhà liền kề - nhưng phải ở xa trung tâm; hai là căn hộ chung cư. Với 1 tỷ đồng bạn sẽ có nhiều lựa chọn nếu mua chung cư, nếu muốn nhà rộng thì chọn nhà ở xã hội, nếu muốn nhà gần trung tâm thì chọn căn hộ một phòng ngủ.

Tôi khuyên nên mua loại hình căn hộ 1 phòng ngủ để gần trung tâm. Khi thu nhập của mình cao hơn 20 triệu đồng/tháng, bạn có thể bán hoặc cho thuê căn nhà đó chắc chắn sẽ vẫn có lãi.