3 dự án Đường Trên Cao Tại TP HCM

Đơn vị nghiên cứu đưa ra 3 phương án tìm vốn khoảng 29.500 tỷ đồng cho tuyến đường trên cao dài hơn 14 km, nối Nam Sài Gòn với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Chiều 30/12, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII - đơn vị nghiên cứu), cho biết đơn vị vừa có báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam, đoạn từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Hướng tuyến đường trên cao mà doanh nghiệp đề xuất đầu tư. Đồ họa: Thanh Nhàn

Hướng tuyến đường trên cao mà doanh nghiệp đề xuất. Đồ họa: Thanh Nhàn

Đây là tuyến không có trong quy hoạch của TP HCM, nhưng CII đề xuất nghiên cứu và được UBND thành phố chấp thuận. Trong 3 kế hoạch đầu tư, phương án một là dự án triển khai theo hình thức đầu tư công hoặc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (ODA).

Phương án thứ hai, công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Song cách làm này, đơn vị tư vấn đánh giá mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe, nhân lượng phương tiện dự báo trong 26 năm, nhà đầu tư chỉ cân đối 5.500 tỷ đồng, chưa đến 20% tổng đầu tư. Do đó ngân sách phải bù 80% và điều này không khả thi bởi hiện quy định vốn góp nhà nước vào dự án PPP không quá 50%.

Phương án thứ ba, đơn vị nghiên cứu đề xuất vẫn triển khai dự án theo hình thức PPP, nhưng nâng vốn góp nhà đầu tư lên 50%, trong đó sẽ xem xét lại mức thu phí, tìm nguồn vay lãi suất thấp; khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị...

Với phương án này, lãnh đạo CII nêu ý tưởng khai thác không gian dọc tuyến đường bằng cách cho xây nhà, cao ốc... để sớm thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Cũng theo ý tưởng này, các công trình nhà, cao ốc, thương mại dọc tuyến khi xây dựng sẽ áp dụng hình thức cho thuê, không giao tư nhân sở hữu.

Các tòa cao ốc trên tuyến đường trên cao được lên ý tưởng. Ảnh: CII

Các tòa cao ốc trên tuyến đường trên cao được lên ý tưởng. Ảnh: CII

"Ý tưởng trên đã triển khai ở một số nước, nhưng tại Việt Nam chưa có quy định", bà Trâm nói và cho biết đơn vị nêu các ý tưởng nhằm tìm phương án khả thi, phù hợp để triển khai công trình.

Trước đó, CII nghiên cứu hướng tuyến của đường trên cao nêu trên từ việc ghép lại các phân đoạn của 3 tuyến trên cao khác có trong quy hoạch ở TP HCM, gồm Số 1, 2 và 3. Tuyến mới được nghiên cứu dài 14,1 km, từ nút giao Cộng Hoà - Trường Chinh, sau đó theo đường Cộng Hoà - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn rồi kết thúc trên đường Nguyễn Văn Linh.

TP HCM được quy hoạch 5 đường trên cao dài gần 71 km, nhưng hiện chưa có tuyến nào được đầu tư. Mới đây tuyến Số 5 giai đoạn một (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương), tổng vốn hơn 15.400 tỷ đồng được doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu làm theo hình thức PPP, dự tính thực hiện từ nay đến năm 2025. Ngoài tuyến này, đường trên cao Số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố) đang được đề xuất sớm thực hiện.