Tình hình kinh tế tháng 4/2021

Nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu ngành BĐS cũng có triển vọng trong năm 2021. Theo đó, BĐS khu công nghiệp – nhóm ngành đã có tăng trưởng khá tốt trong năm 2020 sẽ vẫn là ngành có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 do xuất phát từ xu hướng các doanh nghiệp FDI đang chọn Việt Nam là điểm đến để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cổ phiếu BĐS
Cổ phiếu BĐS có triển vọng trong năm 2021 (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, những nhóm ngành được hưởng lợi từ việc đầu tư công trong thời gian sắp tới có thể kể đến như nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, nhóm ngành tài nguyên cơ bản như sắt, thép, xi măng… Đây là những nhóm ngành sẽ trực tiếp được hưởng lợi khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, thị trường có thể chứng kiến sự hồi phục của các nhóm ngành đã chịu tác động rất tiêu cực của năm 2020, đó là ngành hàng không, du lịch, bất động sản và nhóm ngành bán lẻ, thực phẩm đồ uống. Với sự hồi phục của nền kinh tế khi dịch Covid – 19 được kiểm soát, cùng với đó quá trình đẩy mạnh vắc xin trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam được thực hiện một cách rất nhanh chóng, kỳ vọng những nhóm ngành này sẽ có sự hồi phục trong 6 tháng cuối năm nay.

 

Kinh tế thế giới

Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng hồi phục

Kinh tế thế giới tuần qua nhìn chung tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục của nhiều nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dịu bớt. Một số quốc gia đã xuất hiện tình trạng biến chứng sau khi được tiêm vaccine phòng bệnh của một số hãng dược phẩm lớn, bao gồm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca và của Johnson&Johnson, diễn biến này cũng góp phần khiến việc triển khai tiêm vaccine bị “chững” lại.

Vaccine Covid19
Việc triển khai tiêm vaccine bị “chững” lại (Ảnh: Internet)

Xác định sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 là rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, trong tuần qua, một số lãnh đạo cấp cao của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và coi việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao là “ưu tiên hàng đầu”.

Cùng với IMF, trong tuần qua Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD để cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 40 nước đang phát triển vào cuối tháng 4/2021 và dự kiến sẽ mở rộng cam kết trên lên 4 tỷ USD để cung cấp vaccine cho 50 nước vào giữa năm nay nhằm hỗ trợ việc kiểm soát đại dịch, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng

Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát của Mỹ trong tháng 3/2021 đã tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,4% trong tháng 2/2021 và đánh dấu mức tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2012 nhờ việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và triển khai các gói kích thích kinh tế đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng, khiến giá dầu thô và giá nhiều loại hàng hóa tăng lên mức cao.

Cùng với CPI, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 3/2021 cũng tăng 1% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 – mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2011 và vượt khá xa mức tăng 2,8% của tháng 2/2021. Diễn biến này cho thấy áp lực chi phí đang gia tăng khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau giai đoạn hạn chế hoạt động vì đại dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng
Ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng (Ảnh: Internet)

Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục xu hướng hồi phục mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD trong tháng 3/2021 tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng 38,1%, tạo ra thặng dư thương mại lên tới 13,8 tỷ USD cho tháng này. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 3/2021 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 3,5% và mức tăng 1,7% trong tháng 2/2021, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2018.

Trong khi đó, chỉ số CPI đã tăng 0,4% trong tháng 3/2021 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% và đánh dấu sự quay trở lại lạm phát sau hai tháng giảm phát liên tiếp. Đây là những dấu hiệu mới nhất cho thấy đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong quý I năm nay. Hiện Trung Quốc đang hưởng lợi từ lực cầu toàn cầu tăng mạnh khi các chương trình triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Kinh tế Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu (Ảnh: Internet)

Kinh tế trong nước

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 78,4 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 26,8% lên 75,6 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa trong 3 tháng qua xuất siêu gần 2,8 tỷ USD.

Diễn biến tích cực của hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch bệnh song song với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Kết quả này góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại cũng như việc tận dụng hiệu quả các FTA đã có hiệu lực được thể hiện rõ ràng hơn trong bối cảnh xuất khẩu tới các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc hay EU đều đạt mức tăng trưởng cao.

Kinh tế diễn biến tích cực
Kinh tế Viêt Nam tiếp tục diễn biến tích cực (Ảnh: Internet)

Trong những quý tiếp theo, cùng với đầu tư công, dự kiến hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là một trong hai động lực quan trọng nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, tiến tới đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.

Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững và tận dụng được hiệu quả các cam kết trong hàng loạt FTA, các lĩnh vực sản xuất và chế biến trong nước vẫn cần tiếp tục đổi mới, doanh nghiệp có bước chuyển đổi phù hợp về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại đáp ứng tình hình mới.