Nóng trong tuần: "Chóng mặt" với giá nhà đất thành phố Thủ Đức

Cảnh giác sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay; Chi tiền tỷ "bỏ phố về quê": Chưa kịp hưởng thành quả đã vội rao bán gấp; Giá bất động sản TP Thủ Đức tăng thật hay ảo; Đủ chế tài xử lý đặt cọc giữ chỗ tại các dự án chưa đủ điều kiện bán.... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

 

Nóng trong tuần: Chóng mặt với giá nhà đất thành phố Thủ Đức
 

 

Hình minh họa

Bị 'treo hợp đồng' vì mua nhà bằng hình thức góp vốn

Sau hai năm góp vốn mua nhà tại dự án Khu nhà ở ven sông Long Việt Riverside (huyện Mê Linh, Hà Nội) khách hàng chưa được ký hợp đồng mua bán dù nhiều lần đã kiến nghị và làm việc với chủ đầu tư.

Một số khách hàng cho hay, từ tháng 4/2018, họ được giới thiệu và đặt mua nhà liền kề tại Dự án khu nhà ở ven sông Longviet Riverside do Công ty CP Đầu tư Xây Dựng Long Việt làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay khách hàng đã đóng tới 75% giá trị căn nhà nhưng chưa được chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán dù nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết.

Cảnh giác sốt đất ăn theo quy hoạch sân bay

Chiêu trò tạo sóng giá đất ăn theo quy hoạch sân bay tiếp tục nóng lên khi mới đây Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu phản ánh báo chí liên quan đến đề xuất quy hoạch sân bay Ninh Bình.

Liên quan đến nội dung các địa phương liên tục đề xuất bổ sung quy hoạch vị trí sân bay, mới đây trả lời báo chí, một đại diện của Bộ GTVT cho biết bộ này hiện đang tổng hợp các đề xuất của các địa phương về quy hoạch sân bay, sau khi có hội đồng đánh giá và lấy ý kiến các nhà chuyên môn xem xét, đưa ra những đánh giá về hiệu quả thì mới có thể trả lời các tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù việc quy hoạch sân bay có được xem xét, duyệt hay không thì chưa biết nhưng những đợt sốt đất ăn theo các thông tin quy hoạch sân bay và nguy cơ bong bóng, nhiễu loạn thị trường bất động sản là có thật.

Chi tiền tỷ "bỏ phố về quê": Chưa kịp hưởng thành quả đã vội rao bán gấp

Cách đây hơn 3 năm, chị Mai Ly (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đầu tư hơn 700 triệu đồng mua một mảnh đất rộng 1.000m2 ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì với mong muốn có một chốn nghỉ dưỡng bình yên cuối tuần, tránh xa ồn ào phố thị.

Trên mảnh đất có sẵn một số cây ăn trái như mít, bưởi, chị trồng thêm chuối, ổi, chanh,... và các loài hoa để tạo cảnh quan đẹp mắt. Chị xây một căn nhà nhỏ khoảng 50m2, có đủ phòng ngủ, phòng tắm và bếp để thuận tiện về nghỉ ngơi, thư giãn. Trước nhà là ao trống, chị thuê người đến dọn dẹp, phát quang bụi rậm để tránh ruồi, muỗi rồi đầu tư mua vài giống cá dễ nuôi về thả. Được gần 1 năm, do công việc bận rộn, các con đi học xa nhà, gia đình chị Ly ít khi về nên rau trái, cây cối trong vườn không được chăm sóc.

Giá bất động sản TP Thủ Đức tăng thật hay ảo?

Tháng 1 vừa qua, tức ngay trong tháng đầu tiên TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức, hai dự án chung cư cao cấp trên địa bàn chính thức mở bán gây ngỡ ngàng cho nhiều người với giá công bố lên tới 100 triệu đồng/m2, mức giá chưa từng thấy ở khu vực này.

Đáng chú ý, không chỉ căn hộ mà đất nền, đất nông nghiệp, nhà phố của TP Thủ Đức hiện cũng tăng giá khá cao so với trước khi sáp nhập 3 quận. Trong đó, khu vực quận 9 có mức giá tăng mạnh nhất; còn khu vực quận Thủ Đức, quận 2 thì mức tăng ít hơn nhưng hầu hết đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trước khá nhiều. Rõ nhất là những đất khu mặt tiền đường Nguyễn Xiển (quận 9) cách đây vài tháng được giao dịch giá 30 triệu đồng/m2, hiện đã là 50 triệu đồng/m2.

Bất động sản TP Thủ Đức: Giá "ảo", nhiều giao dịch thất bại ở phút 89

Một số căn nhà tại TP Thủ Đức - TP.HCM đã được "thổi giá" hàng chục triệu đồng/m2. Giao dịch thành công ở thành phố mới này là không quá cao. Chuyên gia khuyên người dân cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ!

Anh Hoàng - chủ một căn nhà trên đường Dân Chủ (quận Thủ Đức, TP Thủ Đức) - cho biết, anh đang bán căn nhà 3 tầng, diện tích 92m2 với giá 12 tỷ đồng. Căn nhà tọa lạc tại một con hẻm rộng 7m, ô tô ra vào thoải mái. Tuy nhiên, hơn 2 tháng trôi qua, anh vẫn chưa bán xong.

Hà Nội: Điều chỉnh hệ số K, cao nhất ở mức 2,15

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn trong năm 2021 với hệ số K cao nhất ở mức 2,15 làm căn cứ tính: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố.

Theo Quyết định trên, hệ số điều chỉnh giá đất mà Hà Nội áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021 cụ thể: Đối với các thửa đất tại 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có hệ số K = 2,15. Đối với các thửa đất tại 03 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ có hệ số K = 1,95. Đối với các thửa đất tại các quận còn lại có hệ số K = 1,80.

Bộ Xây dựng: Đủ chế tài xử lý đặt cọc giữ chỗ tại các dự án chưa đủ điều kiện bán

Nhiều đơn vị sàn môi giới và chủ đầu tư các dự án chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đã "lách luật" huy động vốn bằng hình thức "đặt cọc giữ chỗ" hay "hợp đồng góp vốn".

Theo chia sẻ của giới luật sư, về mặt pháp lý, nếu xác định thỏa thuận đặt tiền giữ chỗ mua bất động sản là giao dịch đặt cọc để giao kết hợp đồng (quan hệ dân sự), thì đối tượng của hợp đồng đặt cọc là "bất động sản" hoặc là "chỗ" hoàn toàn không tồn tại và không đủ điều kiện pháp lý để bán theo luật tại thời điểm ký thỏa thuận đặt cọc. Do vậy, thỏa thuận đặt cọc này sẽ bị vô hiệu về mặt pháp lý. Còn nếu xác định đây là hợp đồng "gửi giữ tài sản" có đối tượng tài sản là"tiền" thì rõ ràng người giữ chỗ đã bị chủ đầu tư và người môi giới lừa đảo để họ chiếm dụng vốn trái phép ngay từ đầu.