61 Dự án Bất Động Sản sẽ được gỡ khó trong năm 2021

Trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 61 dự án bất động sản đang bị “mắc kẹt” do vướng mắc thủ tục pháp lý. Quá trình này kéo dài không chỉ gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường bất động sản.

 

Gỡ khó cho 61 dự án bất động sản đang mắc kẹt
 

 

Nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo yêu cầu các sở ngành có liên quan rà soát, phối hợp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý cho 61 dự án bất động sản trên địa bàn.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Tổ công tác đầu tư TP.HCM xem xét giải quyết 61 hồ sơ dự án do sở Xây dựng chuyển sang để tháo gỡ cho doanh nghiệp trước 15/4. Sở Xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ cho sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc quan tâm nội dung vướng mắc về chỉ tiêu quy mô dân số trong quá trình tham mưu về quy hoạch kinh tế xã hội của TP.HCM, quy hoạch chung TP.HCM.

Thường trực UBND TP.HCM sẽ xem xét giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền, các nội dung ngoài thẩm quyền và báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương.

Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM còn 61 dự án đang bế tắc, cần tháo gỡ. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát có 2 dự án bị trùng, 3 trường hợp không phải là hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư và 1 đã chuyển tổ công tác đầu tư xử lý.

Trong số này 56 dự án còn lại, có 17 dự án đã trình báo cáo thẩm định đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, 18 dự án chưa nhận được ý kiến của các Sở ngành, 20 dự án đã yêu cầu nhà đầu tư bổ sung hồ sơ nhưng chưa nhận được hồ sơ bổ sung và 1 dự án nhà đầu tư đã rút hồ sơ.

Doanh nghiệp “khổ” vì thủ tục

Trong Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP.HCM với lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản vừa được tổ chức mới đây, những khó khăn về thủ tục pháp lý tiếp tục là chủ đề được các doanh nghiệp “kể khổ” với lãnh đạo thành phố.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành – một doanh nghiệp chuyên làm các dự án nhà ở xã hội cho biết, nhiều dự án do doanh nghiệp này vẫn đang bị nghẽn liên quan đến thủ tục pháp lý, chính sách thuế. Nhiều dự án phải mất từ 3 – 5 năm mới có thể hoàn thiện thủ tục pháp lý. Quá trình này kéo dài gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đại diện một “ông lớn” bất động sản cũng than thở, hiện doanh nghiệp có khoảng 10 dự án đang gặp các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý như cấp phép xây dựng, duyệt giá tiền sử dụng đất, chậm cấp sổ hồng… không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn liên quan tới quyền lợi chính đáng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cũng từng nhiều lần chia sẻ khó khăn của chủ đầu tư Vạn Phúc Group trong quá trình phát triển dự án đô thị Vạn Phúc City có quy mô gần 200ha tại Thành phố Thủ Đức. Trong đó, khó khăn hiện nay liên quan đến hạng mục công viên nước bên trong dự án.

“Công viên chuyên đề rộng 6,4 ha tại Vạn Phúc City được phê duyệt quy hoạch đầy đủ, nhưng đến khi triển khai thì thủ tục bị hướng dẫn lòng vòng, không hồi kết, kéo dài đã hơn 2 năm nay, vì chưa có tiền lệ. Thiệt hại cho doanh nghiệp và đối tác là rất lớn. Khổ nỗi, đây là đất do chủ đầu tư bồi hoàn, từng m2 đất được dùng vào mục đích quy hoạch công viên phục vụ cộng đồng, không phải đất công…”, bà Nguyễn Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, Vạn Phúc Group đã làm việc và được đối tác nước ngoài là Tập đoàn Daemyung (Hàn Quốc) đồng ý rót 300 triệu USD xây dựng thành công viên nước lớn nhất Đông Nam Á với sức chứa 10.000 người/ngày. Sau ký kết, là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Daemyung đã công bố dự án cho các nhà đầu tư.

Đầu năm 2018, đội ngũ kỹ sư của tập đoàn này đã bay qua Việt Nam với kế hoạch triển khai dự án trong 18 tháng là đi vào vận hành khai thác giai đoạn I. Trang thiết bị, máy móc phục vụ thi công Công viên nước đã được đặt từ châu Âu về. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục nên dự án phải dừng lại tới tận bây giờ, khiến không chỉ Vạn Phúc Group, mà cả nhà đầu tư nước ngoài cũng bị thiệt hại về cả vật chất và uy tín, thương hiệu.