Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư năm 2020

“Hướng dẫn đầu tư” là chuyên mục xuất hiện trên Forbes Việt Nam hai năm qua. Vào dịp đầu năm, chúng tôi đã trò chuyện với các nhà quản lý quỹ, các chuyên gia về triển vọng kinh tế vĩ mô, triển vọng ngành, phương pháp phân bổ tài sản và cổ phiếu của các doanh nghiệp triển vọng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi hoàn toàn môi trường kinh doanh và sự phát triển của một số lĩnh vực trong ngắn và trung hạn. Cùng với danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất, Forbes Việt Nam ghi nhận bổ sung những ý kiến mới nhất về thị trường cổ phiếu.

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Mặc dù Việt Nam bước đầu đã “làm phẳng đường cong” Covid-19, chúng ta vẫn cần thận trọng với những diến biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, tất cả các quốc gia đều cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần hai sau khi các biện pháp y tế cộng đồng bắt đầu được nới lỏng. Chúng tôi cũng chưa thể chắc chắn thời kỳ “hậu Covid-19” sẽ bắt đầu từ khi nào. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi các lý do sau:

Trước hết, dòng vốn FDI đang tiếp tục đổ vào. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo các mức thuế mới và tình trạng bất ổn phát sinh nhu cầu đa dạng hóa các địa điểm  sản xuất. Ngay cả trước khi đại dịch, Việt Nam đã là lựa chọn của các tập đoàn lớn trong ngành công nghệ điện tử như Samsung, LG, Intel… để đặt nhà máy sản xuất. Chúng tôi cho rằng nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng lên.

Kế đến chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục được đa dạng hơn, do các công ty đã nhận ra những rủi ro đáng lo ngại của việc đặt cơ sở sản xuất và nguồn cung nguyên liệu thô ở cùng một nơi như “đặt tất cả trứng vào một giỏ”. Hiện nay Foxconn và các nhà cung cấp khác đã có những động thái sẽ di chuyển một số công đoạn sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tương tự, một số tập đoàn Nhật, Âu, Mỹ khác cũng đang tìm cách dịch chuyển bớt hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ mà vẫn có lợi thế về giá thành. Việt Nam là một trong các điểm đến tiềm năng của họ. Chúng tôi hi vọng đây là chất xúc tác để giúp xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Cuối cùng, các nhà đầu tư cũng sẽ có cách nhìn khác về các thị trường cận biên và thị trường mới nổi như Việt Nam. Số lượng lớn tiền mới được in ở các nước phát triển và các nền kinh tế cùng với việc cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo mức sinh lời thấp  của thị trường chứng khoán Mỹ trong tương lai gần sẽ khiến họ thấy rằng tỉ lệ sinh lời của các thị trường tại Việt Nam lại trở nên hấp dẫn.

Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 2

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Mặc dù toàn bộ nền kinh tế đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, một vài ngành kinh tế vẫn được kỳ vọng sớm hồi phục và đạt tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Ngành hàng tiêu dùng từ lâu đã là ngành tăng trưởng mạnh. Thu nhập tăng, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn vào ăn uống, đồ gia dụng, trang sức… Chịu tác động ngắn hạn của dịch bệnh bùng phát, chúng tôi vẫn tin rằng ngành này sẽ sớm phục hồi.

Y tế là một lĩnh vực được chú ý. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam được mở rộng đáng kể nhưng luôn quá tải so với nhu cầu. Khu vực y tế tư nhân đang phát triển mạnh và đủ điều kiện phục vụ tại chỗ cho phân khúc khách hàng cao cấp thường tìm kiếm và sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài.

Năng lượng cũng là một ngành rất tiềm năng với việc đầu tư vào năng lượng được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Do nhu cầu năng lượng trong nước ngày càng cao nên Việt Nam đang phải nhập khẩu điện từ các nước láng giềng. Càng có thêm nhiều nhà máy sản xuất được mở mới tại Việt Nam thì nhu cầu năng lượng càng tăng cao. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo và từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)  chính là tương lai của ngành năng lượng Việt Nam và hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư tốt  trong lĩnh vực này.

Ngành sản xuất hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu phục vụ xây dựng, phát triển hạ tầng và bất động sản cũng khá tiềm năng. Việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng sẽ tạo đà kích thích tăng trưởng kinh tế, và nguồn cung trong nước đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Chúng tôi cho rằng không nên đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu – vì rủi ro khá cao.

Và cuối cùng, công nghệ là một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Trong vài năm gần đây, chúng ta có thể thấy được sự tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, với sự ra đời của hàng loạt startup về fintech, trí tuệ nhân tạo, công nghệ, bất động sản và hậu cần.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Thời kỳ khủng hoảng khiến cho các thị trường mới nổi và cận biên không còn được yêu thích, đây là điều bất lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường điều chỉnh sẽ tạo cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng, thường là những cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp đứng đầu thị trường, sở hữu thương hiệu mạnh, có lợi thế từ xu hướng phát triển của ngành hoặc từ việc cơ cấu ngành, bảng cân đối kế toán vững chắc, lợi nhuận vượt trội ở mức giá rẻ hơn.

Đối với những nhà đầu tư dài hạn giữ niềm tin kiên định vào sự bền vững của mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, việc cổ phiếu giảm giá chỉ đơn giản là các cơ hội mua vào ở mức hấp dẫn. Đối với thị trường chứng khoán, các lĩnh vực có thể hưởng lợi từ lãi suất thấp cũng như có được lợi ích từ sự phát triển của tầng lớp trung lưu, kết cấu dân số, hoặc của ngành bán lẻ hiện đại bao gồm: bất động sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, và ngân hàng.

Kế hoạch giải ngân của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng cũng có thể hỗ trợ cho cổ phiếu của các ngành xây dựng, vật liệu, năng lượng, hàng không/cảng biển/ hậu cần/ khu công nghiệp. Chúng tôi cũng lạc quan về triển vọng đối với trái phiếu doanh nghiệp.

Dịch bệnh bùng phát có ảnh hưởng tích cực tới giá trái phiếu từ những doanh nghiệp chất lượng cao (được xem là những công ty có độ tin cậy tín dụng tốt, lưu lượng vốn đủ mạnh để có thể trả cả gốc và lãi cho các khoản nợ tín dụng trong 1-2 năm tới khi kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu).

Dịch bệnh cũng có tác động tốt tới giá trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi thận trọng về triển vọng đầu tư cho giá trái phiếu chính phủ Việt Nam (VGB) vì lãi suất của các trái phiếu này khá thấp (khoảng 3% cho trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm).

Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp chất lượng cao đang trả lãi suất trên 9% cho kỳ hạn hai năm. Tỉ lệ lạm phát tiếp tục giảm sẽ kéo theo chính sách giảm lãi suất, điều này khiến ngân hàng sẽ giảm lãi suất tiết kiệm – và đây là lý do chúng tôi “trung lập” về sự lựa chọn phương án gửi tiết kiệm ngân hàng.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán lạm phát sẽ tăng khi kết thúc thời kỳ dịch bệnh – có thể sẽ vào đầu năm 2021, và vàng, bất động sản thường là những lựa chọn đầu tư tốt trong thời kỳ lạm phát cao.

Cuối cùng, giống như vàng, bất động sản cũng được coi là một lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư trong thời kỳ lạm phát cao. Triển vọng dài hạn của bất động sản tại Việt Nam sẽ rất tiềm năng nhờ yếu tố nhân khẩu học, đồng thời do Việt Nam là một trong số ít quốc gia sẽ được hưởng lợi từ khả năng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc về Việt Nam sau dịch.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH:  Không khuyến nghị.


Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 3

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Dịch Covid-19 đã có các tác động rất lớn đến tình hình kinh tế và địa chính trị thế giới, việc tìm ra vaccine cho bệnh dịch này cũng không làm thay đổi đươc xu hướng định dạng lại các mối quan hệ kinh tế trên toàn cầu. Trong lần trả lời Forbes Việt Nam vào đầu năm nay, tôi đã cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thận trọng và có phản ứng phù hợp với các biến động kinh tế vĩ mô và thay đổi chính trị từ bên ngoài.

Tại thời điểm này tôi lại nhấn mạnh điểm này. Kinh tế Việt Nam đã chống đỡ tốt với các biến động do tác động xấu của dịch bệnh trong các tháng gần đây, các phản ứng nhanh và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam đã góp phần lớn cho kết quả có được, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa thể đánh giá hết các tác động của Covid-19 tới kinh tế Việt Nam khi dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn và nền kinh tế mới được mở cửa lại.

Nhưng bên cạnh đó tôi cũng nhận thấy việc Việt Nam có cơ hội để phát huy hơn nữa các lợi thế đã tạo dựng được trong các năm gần đây với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nếu thành công sẽ làm thay đổi đáng kể nền kinh tế Việt Nam.

Trong các tháng còn lại của năm 2020, nếu không xuất hiện các sự kiện bất thường làm hoạt động kinh tế xấu đi, tôi cho rằng sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì, tuy nhiên các tác động tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường chính của Việt Nam sẽ ngày càng bộc lộ.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Tôi có quan điểm ngược lại với các chuyên gia khác. Dịch bệnh lần này không làm thay đổi triển vọng ngành, cũng như nhận định của tôi về thị trường so với những lần trước. Thứ nhất, tất cả quốc gia trên thế giới sau chiến tranh thương mại đều cùng chung nhận định rằng chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Bất cứ sự gián đoạn nào liên quan đến vận hành sản xuất từ phía Trung Quốc đều tạo ra khủng hoảng lan rộng sang các thị trường khác.

Nếu Hiệp định thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 tạo nhiều hi vọng cho một số tập đoàn đa quốc gia lý do trì hoãn việc dịch chuyển chuỗi sản xuất thì dịch bệnh lần này đã đặt dấu chấm hết cho hi vọng đó. Rất nhiều công ty đã và đang rút lui khỏi Trung Quốc ở quy mô và tốc độ còn lớn hơn lúc bắt đầu chiến tranh thương mại, dẫn đến việc hình thành “Vành đai thịnh vượng” do Mỹ khởi xướng và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi trực tiếp.

Thứ hai, xu hướng áp dụng công nghệ để duy trì hoạt động, cắt giảm chi phí càng được các công ty áp dụng triệt để trong mùa dịch. Qua đó, xu hướng chuyển đổi số càng được củng cố trong thời gian tới. Như vậy, tôi đánh giá dịch bệnh lần này là nhân tố quan trọng để nền kinh tế tái cấu trúc theo hướng bền vững hơn. Những ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm trong thời gian tới bao gồm các khu công nghiệp và vật liệu, công nghệ và ngân hàng.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Theo tôi, xu hướng hiện nay là rất rõ ở các kênh đầu tư. Thứ nhất, lãi suất ngân hàng hiện nay thấp và sẽ tiếp tục thấp hơn nữa trong thời gian tới do Chính phủ phải giảm chi phí huy động vốn trong nền kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư công và cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân sau dịch bệnh.

Đầu tư trái phiếu thông qua các quỹ mở vẫn là sự lựa chọn an toàn và cho lãi suất cố định tốt hơn tiền gửi trong trung và dài hạn. Cổ phiếu tiếp tục là kênh dẫn dắt dòng vốn trung hạn do bị bán rất mạnh trong thời gian qua. Việc dòng vốn nước ngoài sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới là tín hiệu rất tích cực cho thị trường cổ phiếu, bên cạnh các gói đầu tư công mà Chính phủ đang thảo luận và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Bất động sản là kênh đầu tư khá thú vị do chính sách lãi suất thấp và chương trình mua tài sản quy mô lớn chưa có tiền lệ trên toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đây là kênh đầu tư rất dài hạn và rủi ro rất cao hiện tại, do dịch bệnh sẽ phơi bày tất cả doanh nghiệp bất động sản yếu kém, thiếu minh bạch.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH: Tôi có một vài thay đổi so với danh mục tôi khuyến nghị vào đầu năm 2020.
Hiện tại, tôi ưa thích: MWG, FPT, VCB, HPG và PHR.


Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 4

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Đại dịch Covid-19 là một biến cố lớn, diễn ra đột ngột, thay đổi cuộc sống và mọi thứ đang chuyển sang một “trạng thái bình thường mới”. Thế giới rồi cũng sẽ trở lại bình thường hơn khi có vaccine cùng những phác đồ điều trị hiệu quả. Nhưng những xu thế lớn thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng những năm qua vẫn tiếp tục cuồn cuộn chảy.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm đến các quốc gia có lực lượng lao động trẻ và tương đối rẻ, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và môi trường đầu tư cởi mở. Sự dịch chuyển này đã trở nên mạnh mẽ hơn sau căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và càng được các tập đoàn đa quốc gia và chính phủ thúc đẩy khi xuất hiện những rủi ro của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ đẩy mạnh những thói quen tiêu dùng mới và thúc đẩy nhanh hơn quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. Sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài cùng với quyết tâm đổi mới và thúc đẩy phát triển của Chính phủ sẽ giúp mục tiêu tăng trưởng GDP 5% năm nay trở thành hiện thực.

Đại dịch Covid-19 đến làm cho mọi thứ trở lên mong manh hơn nhưng lần này Việt Nam có đủ nội lực, tích lũy được một lượng dự trữ ngoại hối đáng kể và hệ thống ngân hàng đã lành mạnh để kiềm chế lạm phát, tỉ giá duy trì ổn định và vượt qua những khoản nợ xấu có thể phát sinh từ đại dịch.

Đại dịch cũng là cú hích khiến chúng ta đã đạt được những bước phát triển mới trong cuộc cách mạng chuyển đổi số. Covid-19 giúp Chính phủ quyết tâm hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công như một biện pháp kích cầu nền kinh tế.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Nếu như đại dịch Covid-19 như một cú giáng mạnh vào ngành du lịch, bán lẻ, vận tải, hàng không, ăn uống, may mặc và giáo dục trong sáu tháng đầu năm thì lại là một cú hích cho các ngành vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử và giao nhận.

Tuy vậy, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nước và tốc độ thích nghi vào trạng thái bình thường mới, ngay cả những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng sẽ hồi phục mạnh vào nửa cuối năm 2020 và 2021 khi dịch bệnh được khống chế.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Cổ phiếu của những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, thanh khoản cao, kín “room” và định giá hợp lý vẫn là loại hình tài sản được ưa thích. Tuy vậy, sự mong manh mà nhà đầu tư đã trải qua trong quý I.2020 sẽ đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư, trái phiếu cũng là một công cụ phòng vệ hiệu quả.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH: FPT, HPG, KDH, VCB và GMD


Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 5

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Cụm từ suy thoái kinh tế toàn cầu đang được nhắc đến ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, hiện tại chưa rõ thời điểm tìm ra vaccine phòng ngừa Covid-19. Điều này cũng có nghĩa thế giới chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Lần suy thoái kinh tế thế giới này có một số đặc điểm khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây.

Một là, kinh tế và thương mại đình trệ chủ yếu do những biện pháp hành chính được áp dụng để đối phó với đại dịch như giãn cách xã hội, phong tỏa biên giới… chứ không xuất phát từ các lý do tài chính – tiền tệ hay cơ cấu kinh tế.

Thứ hai, cả phía cung lẫn bên cầu đồng thời bị suy giảm.

Thứ ba, các nền kinh tế chịu tác động đồng thời theo cách như nhau trong khi mức độ hội nhập quốc tế hiện tại cao hơn trước đây rất nhiều.

Để khắc phục được các khó khăn do dịch bệnh này gây ra, yếu tố quyết định nhất không phải là dự trữ ngoại tệ dồi dào, vũ khí tối tân hay công nghệ hiện đại, mà là năng lực xử lý khủng hoảng của quốc gia, sự hiệu quả của hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, cũng như khả năng đảm bảo an ninh của một nước, bao gồm cả an ninh lương thực, an ninh năng lượng, đến khả năng tự chủ cung ứng các sản phẩm, thiết bị cần thiết để đối phó khủng hoảng, đặc biệt về thuốc men và trang thiết bị y tế.

Xét trên các khía cạnh này, Việt Nam bước đầu đã có những thành công trong việc từng bước dần khôi phục hoạt động của xã hội và nền kinh tế, vừa thích ứng với tình trạng còn bị dịch bệnh ảnh hưởng vừa chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ sau dịch bệnh.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hữu hiệu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thành công trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh này. Điều này cũng một phần nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội. Việc khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội được thực hiện sớm hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

Thứ hai, hệ thống y tế của Việt Nam đủ khả năng phát hiện, phòng ngừa và chữa trị dịch bệnh này. Đây là yếu tố giữ cho các thiệt hại về sức khỏe và tính mạng con người ở Việt Nam ở mức thấp.

Thứ ba, Việt Nam là một nước khá mạnh về sản xuất nông nghiệp. Điều này giúp cho nền kinh tế của Việt Nam có thể tự đảm bảo cung ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian chờ đại dịch được kiểm soát hoàn toàn.

Trên bình diện quốc tế, dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tái phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu và tái cấu trúc nền thương mại quốc tế sau dịch bệnh. Việt Nam có khả năng hưởng lợi từ xu hướng này nếu thu hút được nhiều nhãn hàng chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các hiệp định thương mại mới như EVFTA cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Với giả định dịch bệnh này sẽ được kiểm soát tốt tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay trở đi, tôi cho rằng các nhóm ngành sẽ tăng trưởng tốt trong 1 – 2 năm tới bao gồm các ngành sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ thông tin, các ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình đầu tư công như xây dựng và vật liệu xây dựng, các ngành hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu như bất động sản khu công nghiệp.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Giá vàng tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đảm. Xu hướng giá vàng trong các tháng tới rất khó dự đoán do phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Với tiền gửi tiết kiệm, lãi suất đang giảm về mức thấp do chính sách điều hành lãi suất của cơ quan quản lý và nhu cầu tín dụng thấp. Chúng tôi cho rằng thị trường cổ phiếu có rất nhiều cơ hội, nhất là khi Việt Nam là điểm sáng về cả kiểm soát dịch bệnh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH: BVH, ACB, VEA, VTP và HPG.


Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 6

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Dưới tác động của đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế vĩ mô thế giới đã thay đổi. Các bất ổn chúng ta cần chú ý ảnh hưởng đến kinh tế thế giới: Khả năng dịch bệnh quay trở lại lần hai làm suy thoái kinh tế kéo dài trầm trọng hơn.

Khả năng lạm phát tăng đột biến do cung tiền tăng mạnh. Số lượng các công ty phá sản, vỡ nợ tăng mạnh làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng và gây ra khủng hoảng cho hệ thống tài chính.

Nhưng kinh tế Việt Nam có những yếu tố để kỳ vọng phục hồi nhanh chóng. Trước khi dịch bệnh bùng phát kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn định so với giai đoạn khủng hoảng trước đây. Sự chống đỡ với dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam tính đến cuối tháng 5 thuộc tốp tốt nhất thế giới nên hậu quả về y tế để lại không lớn, kinh tế Việt Nam đứng trước cơ hội phục hồi nhanh hơn do tổn thất ít hơn nhiều quốc gia khác.

Về dài hạn Việt Nam có thể tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Nhóm ngành có triển vọng trong thời gian tới là những nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách kích cầu đầu tư công như nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng. Ngoài ra nhóm ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu có thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn như thủy sản, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Với thực trạng nền kinh tế sẽ rất khó khăn 1-2 năm tới, và doanh thu cũng như lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, đây là giai đoạn rất khó khăn cho đầu tư vào thị trường cổ phiếu.

Tính tới thời điểm hiện tại khi thị trường cổ phiếu đã hồi phục khá mạnh từ mức đáy vào cuối tháng 3 thì mức độ rủi ro ngày càng tăng cao, nhà đầu tư nên giảm tỉ trọng tài sản rủi ro, có thể cân đối tỉ lệ 80-90% là tiết kiệm, và chỉ 10-20% phân bổ vào cổ phiếu giai đoạn này.

Tuy nhiên nếu thị trường giảm trở lại và tất cả các khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp được phản ánh vào thị giá thì đó là thời điểm nhà đầu tư gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.

5 CỔ PHIẾU TRIỂN VỌNG: HPG, VCS, BMP, VHC và FPT


Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 7

VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Chúng ta đang bước vào giai đoạn kéo dài hậu đại dịch, nhu cầu toàn cầu sụt giảm, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam có khả năng giảm 5-10% trong năm nay và sự suy yếu có thể kéo dài sang năm 2021. Mặc dù vậy, tôi nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3-5% vào năm 2020 và tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021, những con số tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam là nền kinh tế năng động có khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế cao và thị trường nội địa mở rộng nhanh trong vòng 10 năm tới. Hệ thống tài chính Việt Nam được kiểm soát tốt và trước đại dịch không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ hiệu ứng domino.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, toàn thế giới đã có dấu hiệu bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm chạp do các khoản nợ chi tiêu tích lũy từ những năm trước đó và tăng trưởng kinh tế thấp ở châu Âu và Mỹ. Hiện giờ, với sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch COVID19, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới yếu nhất trong một thập kỷ qua.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Ở thị trường Việt Nam các ngân hàng, hệ thống bán lẻ, hàng không, dầu khí đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc phong tỏa trong đại dịch và nhu cầu dầu mỏ tụt giảm. Nhưng đây cũng là những lĩnh vực sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hai năm tới, nhờ sự phục hồi của các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn đột ngột.

PHÂN BỔ TÀI SẢN: Trước khi diễn ra đợt bán tháo trong đại dịch này, chứng khoán Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Và hiện nay, sức hấp dẫn vẫn còn nguyên như vậy. Hãy phân bổ 100% vào cổ phiếu! Nhìn chung, cổ phiếu của Việt Nam được định vị tốt để thể hiện vượt trội so với các thị trường phát triển khác. Nợ ròng/vốn sở hữu hiện tại ở các công ty Việt Nam là 35%, so với con số 52% của EU và 70% của Hoa Kỳ.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH: VEA, ACV, POW, CTG và LPB


VIỄN CẢNH VĨ MÔ: Ảnh hưởng rõ nét nhất của Covid-19 tới kinh tế thế giới là nhu cầu yếu đi. Trên thế giới, Mỹ và EU đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chuyện mở cửa chỉ là vấn đề thời gian. Mọi người lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai khi các quốc gia này mở cửa phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, theo tôi, về mặt logic điều này khó xảy ra, dịch bệnh khó bùng phát ở quy mô lớn.

Làn sóng lây nhiễm thứ nhất khiến nhiều quốc gia bị bất ngờ, vì vậy, nếu có dấu hiệu dịch bệnh bùng phát trở lại, chắc chắn họ sẽ áp dụng biện pháp xét nghiệm trên quy mô lớn như chín triệu ca ở Hồ Bắc (Trung Quốc) nhằm kiểm soát dịch bệnh. Vì số ca lây nhiễm cao nên các nền kinh tế lớn mở cửa chậm, chỉ phục hồi trọn vẹn khi tìm ra vaccine đặc trị hoặc thuốc rút ngắn quá trình điều trị Covid-19.

Về phương diện sản xuất, chắc chắn chúng ta bị ảnh hưởng theo tình trạng chung nhưng thực tế có vẻ tốt hơn so với dự báo. Chẳng hạn kim ngạch xuất khẩu tháng tư chỉ giảm 12% dù các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật… vẫn đang đóng cửa. Nhưng nhìn số liệu chung là chưa đủ, nếu bóc tách số liệu đơn hàng xuất khẩu của các tập đoàn lớn, chúng ta nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Việt Nam đã bị ảnh hưởng lớn.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam tại thời điểm hiện nay lạc quan hơn mong đợi so với các dự báo trong quý 1.2020: tỉ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm, chưa có rủi ro hệ thống, lạm phát được kiềm chế. Vĩ mô hiện tại lạc quan nhưng vi mô phát sinh vấn đề các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương.

Forbes Việt Nam: Hướng dẫn đầu tư 2020 - ảnh 8

Việt Nam nằm trong nhóm các điểm sáng nhất trên thế giới khi khống chế dịch bệnh hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi nội bộ sớm, trừ khối ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà hàng, khách sạn. Lĩnh vực dịch vụ này trước đây đón khoảng 1,5 triệu du khách nước ngoài vào Việt Nam mỗi tháng, hiện tại đang bị tổn thương nặng, đương nhiên sẽ tác động đến nền kinh tế chung.

Điểm cộng cho giai đoạn hiện nay so với các cuộc khủng hoảng trước đây là ngân hàng trung ương và chính phủ các nước hành động rất nhanh, quyết liệt bơm tiền hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Covid-19 kéo theo căng thẳng giữa nhiều nước lớn đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thậm chí xu hướng này mạnh hơn năm 2018 khi thương chiến Mỹ – Trung bùng phát.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia được hưởng lợi. Nếu Chính phủ quyết tâm phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đón vốn đầu tư FDI thì kinh tế Việt Nam đứng trước vận hội phát triển mới. Theo tôi, tháo gỡ nút thắt cơ sở hạ tầng chính là tháo gỡ nút thắt phát triển của kinh tế Việt Nam.

TRIỂN VỌNG NGÀNH: Khi có vaccine điều trị COVID-19 thì ngành dịch vụ sẽ bật lại mạnh, bởi lẽ, những người sử dụng dịch vụ là đối tượng trung lưu và khá giả ít bị tổn thương. Nhưng một số ngành phục hồi chậm như hàng không.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ dâng cao và Việt Nam là một trong các quốc gia chia phần trong chiếc bánh lớn. Thu hút được vốn đầu tư FDI, thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt, hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh. Từ cú hích của đầu tư hạ tầng, cổ phiếu các ngành liên quan đến phát triển quỹ đất, bất động sản có thể mua tích lũy trong dài hạn.

Cổ phiếu ngành nguyên liệu, ngân hàng cũng là một sự lựa chọn. Ngành bán lẻ đã tổn thương nặng trong đại dịch nhưng các ông lớn sẽ thâu tóm doanh nghiệp nhỏ, mở rộng thị phần, nên sắp tới là thời điểm tốt để mua tích lũy.

5 CỔ PHIẾU ƯA THÍCH: Vào đầu năm nay tôi đã khuyến nghị chọn: FPT, ACB, MWG, VCB và VPB. Hiện tại, trừ MWG, tất cả đều đã phục hồi đáng kể, thậm chí vượt đỉnh hồi đầu năm. Tôi vẫn giữ nguyên khuyến nghị cũ và nếu được phép ngoại lệ bổ sung một cổ phiếu thì đó là HPG.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 85, tháng 6.2020

Nguồn: Tạp chí Forbes Việt Nam